Tin tức

Để làm tốt môn Hóa Học

Thời gian làm bài thi ngắn hơn nhiều so với bài tự luận là 60 phút đối với bài thi tốt nghiệp THPT và 90 phút đối với bài thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ. Như vậy, trung bình 1,5 phút/câu (đối với bài thi tốt nghiệp THPT ) và 1,8 phút/câu (đối với bài thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ). Do đó, để làm tốt một bài thi trắc nghiệm đòi hỏi thí sinh phải vững vàng về kiến thức và tâm lý, đồng thời kỹ năng làm bài phải tốt, điêu luyện.

Đề thi gồm nhiều câu (thi tốt nghiệp THPT: 40 câu; thi ĐH: 50 câu), rải khắp chương trình, do đó cần phải học toàn bộ nội dung môn học, không thể đoán "tủ", học "tủ". Gần sát ngày thi, các em nên rà soát lại chương trình môn học đã ôn tập; xem kỹ hơn đối với những nội dung khó; nhớ lại những chi tiết cốt lõi. Không nên làm thêm những câu trắc nghiệm mới vì dễ hoang mang nếu gặp những câu trắc nghiệm quá khó. Đừng bao giờ nghĩ đến việc mang "tài liệu trợ giúp" vào phòng thi hoặc trông chờ sự giúp đỡ của thí sinh khác trong phòng thi, vì các thí sinh có đề thi với hình thức hoàn toàn khác nhau. Thời gian là một thử thách khi làm bài trắc nghiệm; các em phải hết sức khẩn trương, tiết kiệm thời gian; phải vận dụng kiến thức, kỹ năng để nhanh chóng quyết định chọn câu trả lời đúng. Không nên dừng lại quá lâu trước một câu trắc nghiệm nào đó; nếu không làm được câu này thí sinh nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác; cuối giờ có thể quay trở lại làm câu trắc nghiệm đã bỏ qua, nếu còn thời gian. Nên chia thành 3 vòng làm bài:
 
(Vòng 1) Nên bắt đầu làm bài từ câu trắc nghiệm số 1; lần lượt "lướt qua" khá nhanh, quyết định làm những câu cảm thấy dễ và chắc chắn, đồng thời đánh dấu trong đề thi những câu chưa làm được; lần lượt thực hiện đến câu trắc nghiệm cuối cùng trong đề.
 
(Vòng 2) Sau đó quay trở lại "giải quyết" những câu đã tạm thời bỏ qua. Lưu ý, trong khi thực hiện vòng hai cũng cần hết sức khẩn trương; nên làm những câu tương đối dễ hơn, một lần nữa bỏ lại những câu quá khó để giải quyết trong lượt thứ ba.
 
(Vòng 3) Giải quyết những câu quá khó còn lại.
 
Không phải loại bút chì nào cũng thích hợp khi làm bài trắc nghiệm; nên chọn loại bút chì mềm (như 2B...). Không nên gọt đầu bút chì quá nhọn; đầu bút chì nên dẹt, phẳng để nhanh chóng tô đen ô trả lời. Phải có vài bút chì đã gọt sẵn để dự trữ khi làm bài. Khi làm một câu trắc nghiệm, phải đánh giá để loại bỏ ngay những phương án sai và tập trung cân nhắc trong các phương án còn lại phương án nào là đúng. Cố gắng trả lời tất cả các câu trắc nghiệm của đề thi để có cơ hội giành điểm cao hơn; không nên để trống một câu nào (không trả lời).
TN

hóa học


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        8,781,686       6/1,107