Tin tức

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-2008)

Tuổi trẻ Tôn Đức Thắng

Con người sinh ra, lớn lên chỉ có một thời trai trẻ. Nói chung mọi tính cách, xu hướng, thói quen… của con người đều cơ bản tình hình và phát triển ổn định trong thời trai trẻ.
                  
Các Mác đã nêu ra nguyên lý về sự tạo nên lịch sử bản thân của mỗi người như sau:

 

“… Con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kjện tự nhiên chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại”(1).
                 
Tuổi trẻ Tôn Đức Thắng là một tuổi trẻ năng động, biết chọn lấy những điều kiện đã cho sẵn để định hướng cho cuộc đời, xác lập thế đứng chính trị của mình phù hợp với quy luật tất yếu của lịch sử.
                 
ý chí tự lập.
                 
Năm 1906 Tôn Đức Thắng học xong bậc Sơ học ở trường tỉnh Long Xuyên. Với tuổi mười tám, anh còn quá trẻ. Nhưng dưới mắt của mọi người, anh đã là người lớn, lại là người có học. Thời đó, có bằng Sơ học như anh, không phải ai cũng có được. Cha mẹ thì mong anh cưới vợ để sớm yên bề gia thất, rồi lại tiếp tục học lên để rồi trở nên “thầy, ông”, cuộc đời sẽ nhàn nhã, ấm thân, gia đình cũng thơm lây danh vọng. Bà con thân thuộc cũng đều khuyên như vậy. Gia đình Tôn Đức Thắng bấy giờ, tuy cha mẹ đã có bốn con, nhưng còn sức làm, ông bà có thể lo cho con ăn học tới cùng được.
                 
Tôn Đức Thắng lắng nghe những lời khuyên của cha mẹ, bà con. Anh xúc động vì tình thương của cha mẹ đối với con, hết lòng chăm lo cho anh nên người. Anh nhớ mãi một bài học trong sách Quốc văn giáo khoa thư mà chắc trò nào cũng thuộc lòng:
                 
“… Con ơi, muốn nên thân người,
                 
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha:
                 
Gái thời giữ việc trong nhà,
                  
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.
                 
Trai thời đọc sách, ngâm thơ,
                  
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
                  
Mai sau nối đặng nghiệp nhà,
                  
Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân”.
                  
Thói thường thời đó, ai cũng hiểu như vậy và làm như vậy. Cha mẹ anh, bà con của anh cũng vậy thôi. Nhưng anh lại thấy có cái gì đó không phải như vậy. Trước mắt anh, con đường danh vọng, địa vị cao sang đang mở ra mời chào, được mọi người tán dương. Nhưng làm thầy, làm ông để nịnh Tây, bợ đít Tây thì anh không chịu nổi. Anh đã từng chứng kiến những cảnh xun xoe của đám công chức trước bọn quan Tây. Anh cũng không thích thói kiêu căng, cầu kỳ, ỏng ẹo trong sinh hoạt của hạng người này và con cái họ. Chẳng lẽ lại đi vào con đường đó sao ? Khi đã không thích thì không thể nào hăng hái được. Làm trai sao lại chỉ đọc sách, ngâm thơ để chờ kịp khoa thôi ? Như vậy chẳng hóa ra ươn hèn lắm sao ? Anh nghĩ, cha mẹ mình còn phải lo cho mình ăn học sáu bảy năm nữa, liệu cha mẹ có lo nổi không ? Làm trai mà cứ nhờ vào cha mẹ mãi ta đành lòng sao ? Cưới vợ thì quá sớm. Anh hãy còn trẻ, vội gì. Vả lại anh còn muốn đi đây đi đó, nặng gánh gia đình làm sao bay nhảy được ? Nhớ lại, hồi năm ngoái, khi còn đang học, anh nghe ông năm Khách nói có cụ Phan Bội Châu đến Long Xuyên tìm người Đông du. Anh rất muốn được ra nước ngoài một lần, nhưng lần đó cụ Phan có hẹn nhưng không thấy trở lại.
                 
Anh trình bày với cha mẹ ý định của mình muốn lên Sài Gòn để tìm công ăn việc làm, hoặc học thêm. Chuyện cưới vợ thì anh xin cha mẹ hãy để cho anh tự định liệu.

 

Cha anh là một nông dân hiền lành, chất phác. Cả đời cụ chủ chăm chú việc ruộng đồng. Cụ hy vọng nhiều ở đứa con trai đầu lòng. Cụ lo cho con vậy cũng gọi là tới nơi tới chốn. Nhưng khi Tôn Đức Thắng nói ý định của mình, cụ không khỏi bàng hoàng. Thời trẻ, cụ chưa bao giờ có ý nghĩ rời làng quê, xa cha, xa mẹ. Nhưng con cụ giờ khác xưa rồi. Cụ tin nó là người có học, nhìn xa trông rộng hơn cụ thời trước. Con hơn cha là nhà có phước ! Nghĩ vậy, dù trong lòng không yên, nhưng cụ cũng không ngăn cản ý định của con. Bà mẹ thì khóc lóc, lo sợ cho con. Bà mẹ nào cũng vậy thôi. ông an ủi bà hãy yên tâm chăm lo cho các em của Thắng và góp nhóp cho con một số tiền làm lộ phí.
                 
Vào một ngày đầu xuân 1907, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn…
                 
ý chí thoát ly gia đình, tự lập cuộc sống của Tôn Đức Thắng là một điều hiếm thấy thời đó. Phàm những ai xuất thân trong một gia đình có ăn, có để ít ai lại chối từ “của phụ ấm” để tự lập. Người ta lo sợ đủ thứ. Đối với người con gái thì lo cho thân gái dặm trường, lỡ sa chân lạc bước. Đối với đứa con trai, tuổi mười tám vẫn còn là tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” làm sao có đủ sức chống chọi phong ba bão táp của cuộc đời. Vậy nên, con trai lớn phải lo đường vợ con mới mong “tam thập như lập” được.
                 
Xem ra từ xưa đến nay, những người làm nên nghiệp lớn đều quyết chí lập thân ngay từ tuổi mười tám, đôi mươi cả. ý chí tự lập của Tôn Đức Thắng quả là một ý chí mạnh mẽ và táo bạo vậy.
                  
Theo nguyên lý đã dẫn trên đây của Các Mác thì thời Tôn Đức Thắng lớn lên đã phát sinh những điều kiện mới. Đó là sự bắt đầu phát triển công nghiệp (dĩ nhiên là công nghiệp thực dân và rất hạn chế) trong một nước nông nghiệp lạc hậu. Nhân tố mới đó kích thích sự ham hiểu biết, trí thông minh, sáng tạo. Sự phát triển công nghệ gắn với khoa học và kỹ thuật làm cho con người phát triển cả sự khéo léo chân tay lần nảy nở sự thông minh, trí tuệ. Phải chăng cái đó chính là động lực thúc đẩy Tôn Đức Thắng nẩy sinh ý chí tự lập ? Mặt khác, từ thuở nhỏ Tôn Đức Thắng đã là một thiếu niên có một số tính cách khác thường. Lòng yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, khâm phục những chí sĩ, nghĩa sĩ tiền bối, căm ghét bọn cướp nước và bán nước, hẳn đã tiếp cho anh động lực để đi vào cuộc sống xã hội, tìm hiểu và mong góp sức mình vào cuộc đấu tranh dân tộc.
                  
ý chí tự lập ngay từ tuổi trẻ là một nét tính cách tuyệt vời của Tôn Đức Thắng. Tính cách độc đáo ấy là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên nhân cách toàn diện của Tôn Đức Thắng sau này.
                  
Một bước ngoặt trong cuộc đời.
                 
Sài Gòn trong những năm đầu thế kỷ XX đã trở nên đông đúc, sầm uất. Dân số đã lên trên trăm ngàn. Nếu tính cả Chợ Lớn thì dân số lên tới ba trăm ngàn người. Lịch sử thành phố còn rất trẻ nhưng sự phát triển của nó lại khá nhanh. Cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn ánh xây dựng Gia Đinh kinh cũng gọi là thành Bát quái hay là thành Quy. Vì Lê Văn Khôi khởi binh cố thủ ở thành Quy mà thành này to lớn kiên cố nên sau khi đánh bại Khôi, Minh Mạng ra lệnh triệt hạ, xây lại một thành nhỏ hơn gọi là thành Phụng hay là thành Gia Định. Thành Gia Định bị quân Pháp chiếm năm 1859. Từ thế kỷ XIX, Sài Gòn (thành Gia Định) đã là một thị trấn thương mại quan trọng. Sau khi Pháp chiếm, Sài Gòn càng phát đạt vì chính quyền thực dân mở cảng buôn bán với các nước rộng lớn hơn đặc biệt là vơ vét xuất cảng lúa gạo, lập xưởng sửa chữa tàu lớn, đóng tàu nhỏ và biến Sài Gòn thành bàn đạp để xâm lược cả Đông Dương. Phong trào Cần Vương ở Trung Bắc chấm dứt, thực dân Pháp bắt đầu chương trình “đại khai thác lần thứ nhất” thì Sài Gòn-Chợ Lớn đã trở thành những thành phố tương đối lớn, nhộn nhịp nhất nước ta về kinh tế.
                 
Công cuộc mở mang kỹ nghệ và thương mại tại Sài Gòn-Chợ Lớn ngày càng phát triển. Tư sản Pháp, tư sản Hoa Kiều rồi tư sản người Việt bỏ vốn ra kinh doanh sản xuất, dịch vụ. Tiệm buôn, tiệm ăn… mở ra ngày càng nhiều. Ngành điện, nước đã được phát triển trước tiên để phục vụ cho các công sở, cơ quan, nhà máy, nhà ở của bọn thống trị và một phần phục vụ cho sinh hoạt dân dụng của thành phố. Năm 1990, Công ty Điện-nước Đông Dương thành lập. Tiếp theo là ngành xây dựng, nhiều công ty, hãng thầu xây cất nhà cửa, cầu cống, đường sá ra đời. Trong những năm đầu thế kỷ XX nhiều cầu cống, đường sá được xây dựng như cầu Bình Lợi, đường Sài Gòn-Bà Rịa, đường sắt Sài Gòn-Nha Trang. Ngành xay xát lúa gạo là một ngành được quan tâm phát triển nhằm vơ vét lúa gạo xuất khẩu. Năm 1905, Sài Gòn-Chợ Lớn có tới 9 nhà máy xay, máy động lực mỗi cái tới bảy, tám trăm mã lực, vốn mỗi cái từ 1,2 đến 1,5 triệu phơ-răng, xay được hàng triệu tấn thóc và ba phần tư số thóc là do xay ở các nhà máy này. Thực dân Pháp lúc đầu không chú ý nên các nhà máy phần lớn nằm trong tay tư sản Hoa kiều. Về sau thấy dễ ăn, tư sản Pháp cũng lao vào ngành xay xát. Năm 1912 thành lập Công ty Pháp-Đông Dương mua bán và xay xát lúa gạo, có chi nhánh tại Sài Gòn là hãng Denis Fr ères. Các ngành chế biến đường, giấy, xà bông, dệt nuộm… cũng lần lượt phát triển.
                 
Sự phát triển công-kỹ nghệ và thương mại tại Sài Gòn-Chợ Lớn kéo theo sự xuất hiện của một lớp dân cư mới. Đó là lực lượng thợ thuyền. Theo sự tính toán của Liên hiệp Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh thì số công nhân doanh nghiệp ở Sài Gòn-Chợ Lớn năm 1929 có ít nhất là 20.000 chiếm 70% dân số, một tỷ lệ khá cao lúc đó (1). Nguồn gốc của những người thợ rất khác nhau. Một số ít là dân nghèo thành thị, số ít hơn được đào tạo trong các trường dạy nghề của thực dân Pháp, còn lại phần lớn là dân thất nghiệp từ lục tỉnh lên. Thời đó, thực dân Pháp không đầu tư kỹ thuật hiện đại để sử dụng lao động thủ công vốn rẻ mạt ở thuộc địa. Tuy vậy đối với các ngành cơ, điện thì một phần chúng phải đào tạo thợ, nhân viên kỹ thuật người bản xứ. Họ đi làm công cho các hãng xưởng lớn, lương bổng không đủ đảm bảo, nếu không thì hành nghề tự do bằng dịch vụ sửa chữa, lắp ráp, chế tạo phụ tùng v.v… Nhiều ga-ra, đề-pô mọc lên. Nhiều người từ đó ngoi lên thành chủ và trở thành tư sản bản xứ.
                 
Lên Sài Gòn trong hơn một năm trời, Tôn Đức Thắng đi lại khá nhiều nơi. Anh quan sát chỗ nọ, chỗ kia. Anh phân biệt được bốn hạng người Sài Gòn:
                 
-Sài Gòn của bọn quan lại thống trị người Pháp. Bọn này có nhà cao cửa rộng, có đủ mọi tiện nghi sinh hoạt dành riêng. Kể cả nơi chơi bời, ăn uống, giải trí cũng có nơi riêng. Những nơi đó có lính canh phòng cẩn mật. Người bản xứ đi vào đã không được mà đi ngang ngó lâu cũng bị theo dõi. Kiểu cách đó cũng không khác gì ở Long Xuyên quê anh, khu băng-ga-rô, bể bơi, sân ten-nit dành riêng cho người Pháp ở bên Bình Đức cũng không ai được bén mảng tới. Vốn ghét Tây, anh cũng không ao ước vào đó làm gì cả !
                 
-Sài Gòn của giới công chức, thầy, chủ. Đây là thế giới mà anh chú ý nhiều nhất. Bởi vì, theo thói thường mọi người đều khuyên anh đi vào thế giới đó. Thực ra, nếu muốn, anh cũng gia nhập vào thế giới đó không khó mấy. Sức học sẵn có, vào trường Sác-sơ-lu Lô-ba ít năm ra thì trở nên “thầy” ngay. Nhưng anh đã không thích nên càng quan sát anh càng thấy đa số hạng người này có nhiều cái khó ưa. Ngoài sự luồn cúi, nịnh bợ của họ, anh thấy thêm họ là lớp người lai căng, nói thì nửa tây nửa ta, với dân lành thì họ cũng hống hách hơn cả chủ Tây. Tuy vậy, họ cũng là những người đáng thương. Cũng có lúc họ bị chủ bợp tai, đá đít, bị chửi những câu rất thô tục. Vậy mà họ vẫn chịu được sao ? Sau những ngày suy nghĩ, Tôn Đức Thắng dứt khoát không đi theo con đường “nhàn nhã, ấm thân” đó.
                 
-Sài Gòn thương mại với những tiệm tạp hóa, tiệm ăn, nhà ngủ, tiệm rượu, tiệm hút… Đó là một thế giới ồn ào, náo nhiệt, hoạt động suốt ngày đêm. Nhất là trong Chợ Lớn, các tiệm buôn, tiệm ăn của người Hoa thì lại càng ồn ào hơn. Nhưng Tôn Đức Thắng đi học không phải để đi vào con đường thương mại. Anh quan sát nhưng không bao giờ có ý nghĩ nào muốn vào con đường đi buôn để kiếm sống cả.
                 
-Cuối cùng Sài Gòn của người lao động. Đây là một thế giới rất phức tạp. Có những người lao động gánh thuê, vác mướn, không có việc nhất định. Có những người làm phu xe kéo, xe lôi, xe ba-gác… nhiều hôm làm cật lực mà vẫn không đủ ăn. Trong xã hội của những người lao động này, có những tay “anh chị” ngang tàng, bướng bỉnh, nói năng thô tục rất dễ sợ. Anh suy nghĩ mãi về hạng người này. Họ tập hợp em út lại, đành rằng có bênh vực nhau khi bị lính tráng ức hiếp nhưng rồi chính họ cũng bắt nạt lẫn nhau. Như vậy, gẫm ra tập hợp nhau để làm gì ? Xét ra cuối cùng hay nhất là cuộc sống của người thợ. Thợ máy, thợ điện, thợ mộc, thợ hồ… mỗi người có một nghề, sinh sống bằng chính nghề của mình. Người thợ làm ra cái gì cũng đều phải có đầu óc suy nghĩ, sáng chế các dụng cụ theo ý muốn của mình. Trong các nghề thợ, Tôn Đức Thắng thích nhất là thợ máy và thợ điện. Vậy là, Tôn Đức Thắng quyết tâm đi vào nghề làm thợ.
                 
Lúc đầu, Tôn Đức Thắng đi làm công cho các ga-ra, đề-pô tư nhân. Anh học nghề sửa máy tàu, máy xe hơi. Anh học nghề tiện, nguội. Anh học nghề điện. Vốn tháo vát, thông minh lại cần cù khéo léo nên tay nghề của anh ngày một thành thạo. Nhiều người từ lục tỉnh lên, anh sẵn sàng chỉ vẽ cho họ, cùng với họ kết nghĩa anh, em. Sau đó, anh thi đậu vào học trường Bá Nghệ Sài Gòn.
                 
Chọn con đường làm thợ là một bước ngoặt trong cuộc đời của người thanh niên Tôn Đức Thắng. Một bước ngoặt đúng và hợp thời đại !
                 
Đi theo con đường làm thợ, Tôn Đức Thắng thấy nghề nghiệp đó đủ bảo đảm cho anh sinh sống tự lập như ý chí ban đầu khi ra đi. Anh tin chắc rằng có nghề trong tay thì ở đâu cũng sống được. Anh nhớ lại sự khuyến khích thực nghiệp của nhóm Đông kinh nghĩa thục mà có lúc nào đó ông năm Khách đã giảng giải cho anh. Vậy thì chọn con đường làm thợ đó chính là làm theo sự khuyến khích ấy.
                  
Nghề cơ điện đối với anh là một nghề thú vị, là một nghề vừa khéo tay, vừa có đầu óc suy xét. Sai sót, hư hỏng ở một chỗ nào đó đều có thể làm trục trắc toàn thể bộ máy. Người thợ phải biết nghe, biết nhìn, biết phán đoán đúng chỗ hư hỏng. Người thợ giỏi nghe tiếng máy chạy đã biết hư hỏng ở đâu. Theo lời kể của một số người thì Tôn Đức Thắng đã có lúc có trình độ siêu việt như thế.


Có lẽ lúc bấy giờ Tôn Đức Thắng cũng chưa thấy chủ nghĩa tư bản phát triển công nghiệp như thế nào. Nhưng từ khi người Pháp sang, họ cũng mang tới xứ mình những kỹ thuật mới. Đèn điện thay cho đèn dầu lù mù ở thôn quê, điện thoại, điện báo đã làm cho sự truyền tin nhanh chóng hơn, máy móc đã thay cho sức người trong nhiều việc… Anh còn nghe ở bên Tây người ta còn có máy móc tối tân hơn. Người mình hiểu biết những máy móc đó chắc hẳn có ích cho nước nhà lắm vậy.
                 
Trường Bá Nghệ Sài Gòn.
                 
Nằm chếch về phía bên trái chợ bùng binh Sài Gòn tại số 65 đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh bây giờ, là Trường kỹ thuật Cao Thắng-tên một vị tướng có tài cầm quân và tài về kỹ thuật chế tạo vũ khí trong nghĩa quân Phan Đình Phùng. Đó chính là trường Bá Nghệ-theo tên gọi thông thường hồi trước-mà Tôn Đức Thắng đã theo học.
                 
Trong Nhà Bảo tàng cách mạng thành phố Hồ Chí Minh có một cuốn sổ ghi chép danh sách những học sinh tốt nghiệp các khoa học của trường Bá Nghệ. Ở trang 20, danh sách học sinh tốt nghiệp niên khoá 1915-1917 dòng đầu tiên ghi:
                 
1)- Tôn Đức Thắng. Provence: Long Xuyên. Date et lieu de naisance: 20 ans, An Hòa, Long Xuyên. Moyenne générale de l’examen: 16,4m.

báo An Giang online.

chủ tịch, đức thắng, kỷ niệm, tôn đức thắng


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        14,043,238       2/719