Tin tức

Nghĩa tình ở Đắk Sao

QĐND - Mưa mặc mưa, nắng mặc nắng, 32 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, cùng 20 tình nguyện viên Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) và đoàn viên, thanh niên xã Đắk Sao, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum vẫn miệt mài làm việc. Người đan rọ sắt, người vác đá, khiêng gỗ, người phục hóa lại ruộng lúa nước, người dạy các em nhỏ học chữ… tất cả đều cố gắng hết mình để chiến dịch “Mùa hè xanh” về với đồng bào Xê-đăng ở Đắk Sao đạt hiệu quả tốt, giúp được bà con nhiều việc nhất.

Cây cầu nối những bờ vui

Chúng tôi tìm về xã Đắk Sao khi toàn bộ khu vực Tây Nguyên đang chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 năm 2012. Trời mưa, con đường từ trung tâm huyện vào Đắk Sao trơn trượt, nên chúng tôi đành phải cuốc bộ hơn 21km.

Bao năm qua, Đắk Sao vẫn nằm trong tốp xã đặc biệt khó khăn của huyện Tu Mơ Rông. Xã đã nghèo lại càng gặp khó bởi những cơn thịnh nộ của thiên tai. Chuyện là, 3 năm về trước, sau cơn bão số 9, mưa như trút từng thùng nước xuống khắp núi rừng Tây Nguyên. Mưa lớn, nước trên các triền đồi trọc cứ vậy tuôn xuống, vùi lấp toàn bộ ruộng đồng của bà con Đắk Sao; đồng thời cuốn phăng mấy cây cầu gỗ nằm trên "huyết mạch giao thông chính" giữa các làng với nhau. Cầu cuốn trôi rồi bà con cũng kệ, không có cầu thì lội suối. Ruộng bị vùi rồi thì bà con ăn bắp, ăn mì. Bao năm qua vẫn thế, người dân Xê-đăng vẫn sống được.

Các tình nguyện viên cùng nhân dân khiêng gỗ bắc cầu.

Chính nếp nghĩ ấy nên bao lần chính quyền vào vận động bà con cùng làm cầu, nhưng không ai mặn mà hưởng ứng. Ngay cả người như trưởng làng Kạch Lớn, A Bôi cũng thừa nhận: “Vận động nhiều rồi mà bà con có ai làm đâu. Bà con không làm thì mấy cán bộ xã làm cầu sao được”.

Là đơn vị đóng quân trên địa bàn, hiểu được cái khó khăn mà chính quyền và nhân dân Đắk Sao đang gặp phải nên trong chiến dịch "Mùa hè xanh" năm 2012, Đoàn cơ sở Trung đoàn 24 quyết định phối hợp cùng các tình nguyện viên Trường Đại học Lạc Hồng hành quân về với Đắk Sao giúp bà con dựng lại cây cầu, phục hóa ruộng lúa nước bị vùi lấp...

   Ngay sau khi di chuyển vào xã, cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng lực lượng đoàn viên, thanh niên nhanh chóng bắt tay vào công việc. Một tốp đi vác đá từ các nơi về tập trung lại để bỏ vào rọ sắt, làm trụ; tốp khác vào bản khiêng gỗ ra bắc cầu… vừa nêm cọc gỗ để gia cố lại trụ cầu, Binh nhất Ksor Nin vừa tâm sự với tôi: “Ngày các em mới đến nhìn bà con, đặc biệt là các em nhỏ cứ hằng ngày lội qua suối lên rẫy cùng bố mẹ mà thấy thương lắm! Nước nhỏ không sao, nếu nước to thì hậu quả chưa biết thế nào cả. Hơn nữa mình giúp cho bà con cũng giống như mình giúp gia đình mình nên ai trong đoàn cũng tích cực, hăng say làm việc”.

Với tinh thần ấy, chỉ trong 15 ngày, các tình nguyện viên đã dựng được 4 cây cầu gỗ nối giữa các làng trong xã Đắk Sao. Trong đó, lớn nhất là cây cầu ở làng Kạch Nhỏ dài 50m, rộng 1,8m.

Lớp học ánh sáng

Không chỉ giúp bà con dựng lại cầu, các tình nguyện viên còn giúp đồng bào Xê-đăng phục hóa gần 5000m2 diện tích lúa nước bị cát, đất đồi phủ lấp; tu sửa lại 8km đường dân sinh, dọn vệ sinh trường học, trạm xá và nghĩa trang liệt sĩ xã.

Lớp học ánh sáng giữa làng Kạch Nhỏ, Đắk Sao.

Một trong những hoạt động nổi bật của đợt tình nguyện lần này chính là việc Ban Chỉ huy chiến dịch "Mùa hè xanh" mở được 2 lớp học dạy hai ca liên tục trong 12 ngày với 40 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 trong toàn xã tham gia. Và trong những ngày cùng sinh hoạt với các tình nguyện viên, tôi có dịp theo Trung úy Trần Văn Lâm, Trung đội trưởng Trung đội 8, Đại đội 7, người trực tiếp đứng lớp dạy học cho các em. Chia sẻ với chúng tôi về những giờ trực tiếp đứng lớp, Trung úy Trần Văn Lâm nói: “Các em nhỏ ở đây ham học lắm! Các thành viên trong đội chỉ đến vận động một lần là hôm sau các em đến lớp đông đủ và rất đúng giờ”. Còn chị Y Mây, mẹ của em A Tú tâm sự với tôi: “Cũng tại Y Mây sinh nhiều con nên mới khổ. Nhưng vợ chồng Y Mây sẽ cố gắng cho các con học để sau này được vào bộ đội, được đi học đại học trên thành phố như các cô, các chú”.

Kết thúc chiến dịch tình nguyện "Mùa hè xanh" ở Đắk Sao, khi chia tay đoàn, hình ảnh cụ A Yang dẫn cháu nội mình ra tận đầu xã nắm tay từng người. Ở lớp người "xưa nay hiếm" mà hôm đó cụ A Yang vẫn khóc. Những giọt nước mắt như chắt ra, đặc quánh lăn trên đôi gò má nhăn nheo của cụ. Chứng kiến những tình cảm lưu luyến mà cụ A Yang và bà con đồng bào dân tộc Xê-đăng ở Đắk Sao dành cho các thành viên tình nguyện làm tôi thấy mắt mình nhòe đi. Nhiều tình nguyện viên khác cũng vội quay mặt về hướng khác với những cặp mắt đỏ hoe...

Bước chân lên xe, trở về với công việc thường ngày mà lòng chúng tôi dường như vẫn còn để lại Đắk Sao. Chẳng ai bảo ai, tất cả đều ngoái đầu nhìn lại và đồng thanh hô vang: Xin hẹn gặp lại Đắk Sao mùa hè sau...

Link: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/208903/print/Default.aspx

(Theo Báo Quân đội nhân dân Việt Nam)

VP. Đoàn - Hội Sinh viên trường

tình nguyện, mùa hè xanh


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        15,242,486       7/763