Tin tức

Kỉ niệm ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam (09/01/1950 - 09/01/2011)

 

Trần Văn Ơn sinh ngày 29-5-1931 trong một gia đình nông dân ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cha là ông Trần Văn Nghĩa và mẹ là bà Huỳnh Thị Tửu. 
 
Năm 1949 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn phản công. Tại Saigon, các tầng lớp đồng bào cũng tích cực hưởng ứng dưới nhiều hình thức biểu tình chống sưu thuế, chống bắt lính, đòi công ăn việc làm …Học sinh, sinh viên bãi trường, bãi khoá.
 
Lúc bấy giờ, anh Trần Văn đang học lớp đệ ngũ ( lớp 8 ) trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong ) đã bí mật tham gia Đội vũ trang diệt ác trừ gian của phong trào học sinh yêu nước, sinh viên Cứu Quốc. Ngày 18 - 5 -1949 đội vũ trang này đã thi hành án tử hình đối với hai tên mật vụ Nguyễn Văn Minh và Trần Tấn Phát, loại trừ hai tên chó săn này ra khỏi tập thể học sinh trường Petrus Ký.
 
Những hoạt động đó khiến thực dân Pháp và tay sai vô cùng hoảng sợ. Ngày 1-9-1949 Ban lãnh đạo học sinh Cứu Quốc Saigon gồm 5 đồng chí là học sinh các trường Petrus Ký và Gia Long bị địch bắt. Ở trong tù, mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng mọi người vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Để hỗ trợ cho cuộc chiến đấu của bạn bè trong tù, ngày 9-1-1950, 2000 học sinh trường Petrus Ký, Gia Long kéo đến Sở Giáo dục Saigon đòi trả tự do cho 5 học sinh bị bắt. Đến 10 giờ sáng có thêm học sinh các trường Phước Kiến ( Chợ Lớn ), Franco- Chinois, Taberd và một số trường tư thục cùng xuống đường . Cùng ngày , đồng bào đình công, bãi thi, công chức không đến sở làm. Một phái đoàn đại biểu các đoàn thể do luật sư Nguyễn Hữu Thọ kéo vào dinh của tên Thủ hiến Trần Văn Hưu đưa kiến nghị đòi trả tự do cho các học sinh bị bắt. Thực dân Pháp đã trả lời bằng cách bắt giữ phái đoàn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ bỏ lên xe bít bùng đưa đi nơi khác. Thái độ đó đã làm cho đám đông phẫn nộ, bùng nổ xung đột. Những người biểu tình dùng mọi thứ vũ khí có trong tay chống trả quyết liệt với lính Pháp, lính Aâu Phi và công an Bình Xuyên.
 Trần Văn và 6 nam nữ học sinh vượt lên khỏi đám đông tìm đường tiến vào dinh Thủ Hiến. Một loạt đạn vang lên, Trần Văn ngã gục, trên tay vẫn còn cầm bản kiến nghị. Địch toan cướp xác Trần Văn nhưng bạn bè và đồng bào đã bảo vệ đưa thi hài của anh về trường Petrus Ký để cử hành tang lễ.
 
Lễ tang của Ơn được cử hành trên quy mô cả nước, bắt đầu từ ngày 10-1-1950 và luân phiên nhau kéo dài cả tuần lễ. Hàng triệu lượt học sinh sinh viên và đồng bào các giới đã tham gia lễ truy điệu và xuống đường tuần hành. Riêng ở Saigon, đám tang Trần Văn là đám tang dài nhất. Quan tài đến nghĩa trang Chợ Lớn vào lúc 11 giờ 30 mà dòng người đưa tiễn sau cùng đến 14 giờ vẫn chưa ra khỏi trường Petrus Ký.
 
Kể từ đó, ngày 9 tháng 1 đi vào lịch sử đấu tranh và được chọn làm ngày truyền thống của học sinh sinh viên Việt Nam. Truyền thống vẻ vang đó đã được các thế hệ học sinh sinh viên kế thừa oanh liệt trong thời kì chống Mĩ và trở thành bất diệt.
 
Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần I (tháng 2/1950) tại căn cứ Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09/01 hằng năm làm ngày Truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam. 
doanthanhnien.vn

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        15,209,075       9/697