Dưới mái trường

Người Thầy nhân đạo của tôi

Đã nhiều năm rồi, từ cái lần đầu tiên tôi theo Thầy tham gia chuyến cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung, rồi đến những chuyến thăm và tặng quà tại các trung tâm cô nhi hay người già neo đơn… Thầy đã đi và mang theo những chuyến đi ấy không chỉ là những phần quà từ sự ủng hộ của cá nhân hay việc vận chuyển những phần quà mà Thầy quyên góp được, mà đó còn là sự ân cần, gần gũi qua những cử chỉ và lời động viên thăm hỏi rất chân tình… Cứ như thế, Thầy tôi, Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Đỗ Hữu Tài đã truyền cho tôi, một cán bộ đoàn về ý nghĩa của “nhân đạo và lòng thiện” từ những điều như thế.

yêu thương cho đi là hạnh phúc giữ lại

Nụ cười đôn hậu và thân thiện của NGND.TS Đỗ Hữu Tài dành cho em bé thiếu may mắn

Món quà cho lòng bác ái

Sau những cống hiến và đóng góp vì tình thương với đời, Thầy vinh dự được trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo”. Đây là phần thưởng cao quý nhất của Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhằm ghi nhận những đóng góp quý báu của các cá nhân, đồng thời động viên mọi người tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Thầy Đỗ Hữu Tài

Món quà dành cho lòng bác ái của Thầy Đỗ Hữu Tài

Là người tham gia công tác từ thiện từ khi còn trẻ, theo Thầy làm việc thiện cần phải có trái tim nhân hậu, tấm lòng bao dung độ lượng, lời chia sẻ của Thầy đã làm Tôi nhớ mãi.

Thầy sinh ra tại Bình Dương. Ngày mới lên 3 tuổi, bố mẹ Thầy thoát ly theo cách mạng, Thầy sống nhờ sự đùm bọc, che chở của bên ngoại: ông bà, dì, cậu… Lớn lên, vào Sài Gòn trọ học, Thầy may mắn nhận được sự yêu thương, giúp đỡ của bạn bè và những người xa lạ. Những bát cơm, cuốn sách, tập vở, cây viết… ngày ấy là những ân tình quý mến của những người thân, bạn bè và những người không quen biết đó đã giúp Thầy vượt qua những ngày tháng khốn khó để trưởng thành…

Khi ra trường, Thầy chọn đất Biên Hòa, Đồng Nai làm quê hương thứ hai. Ở đây, những ngày đầu mới lập nghiệp, Thầy đã sống một cuộc sống không lấy gì làm sung túc nếu không nói là khá vất vả, phải bôn ba, bươn chải làm đủ mọi việc mới đủ sống qua ngày. Lúc ấy Thầy không biết có bao nhiêu tấm lòng đã đến với mình. Đến bây giờ, khi Thầy đã tương đối đầy đủ nhờ sự cố gắng, nỗ lực làm việc của mình mấy chục năm qua. Cái điều canh cánh bên lòng của ông là làm thế nào san sẻ được chút gì đó cho những người khốn khổ, bất hạnh… quanh mình.

Thầy Đỗ Hữu Tài

Thầy trong những lần thăm hỏi và trợ giúp Trung tâm bảo trợ Mẹ Việt Nam anh hùng...

Thầy kể với tôi về một lần Thầy tìm đến một bệnh viện để tặng quà cho bệnh nhân, và bàng hoàng trước hình ảnh cô y tá kề miệng vào mũi một cháu bé bị ngạt thở hút đờm nhớt để cứu sống cháu bé ấy và một y tá khác không kể dơ bẩn, hôi hám… lấy nước tiểu, phân của bệnh nhân đưa vào phòng xét nghiệm mong tìm ra vi trùng gây bệnh để điều trị cho họ… Tất cả những hình ảnh đó như những vết son tô đậm cho những việc làm từ thiện của Thầy trước đây, hiện tại… và cho đến cuối đời mình.

Thầy nghĩ, trách nhiệm là một việc nhưng nếu không có tấm lòng bao dung, trái tim nhân hậu thì chưa hẳn các vị lương y ấy đã làm được một việc tận tâm, tận tình để cứu người tự nguyện như thế.

Yêu thương cho đi là hạnh phúc giữ lại

Thầy từng nói với tôi: “Làm việc thiện để giúp đỡ người khác không phải chỉ ở những hành vi, nghĩa cử đưa tiền của, vật chất đến tay người khác mà không một mảy may rung động trước hoàn cảnh của họ. Và càng không phải chỉ có vật chất mới đánh giá được một công việc từ thiện mà có khi những việc làm bằng công sức lại là những nghĩa cử từ thiện cao đẹp nhất. Chẳng hạn, một người bỏ công chăm sóc cho một người gặp nạn dọc đường không có thân nhân bằng cả tấm lòng thương yêu trìu mến của mình còn hơn một người khác dúi vào tay người gặp nạn ấy một nắm tiền hay một lọ thuốc như của bố thí, cho làm phước mà không hề có một chút rung động, thương xót nào về phía trái tim.

Bởi vậy, làm việc thiện không phải là bố thí. Người cần được mọi người làm việc thiện cho mình, họ cần tình thương, sự cảm thông, chia sẻ và thông qua tình thương ấy là sự san sẻ vật chất hơn là sự bố thí vật chất nhiều mà tình thương thì lại quá mỏng manh.

Thầy Đỗ Hữu TàiThầy Đỗ Hữu Tài

... cùng những chuyến đi cứu trợ và động viên đồng báo lúc khốn khó 

Trong tâm của Thầy “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người sinh ra bản tính đã là thiện thì hãy giữ lấy cái thiện để sống với đời, giúp cho người. Từ ngày biết làm điều thiện đến nay, Thầy không nghĩ mình đã giúp được cho bao nhiêu người, bao nhiêu tiền của nhưng Thầy vẫn thấy thiếu bởi quanh ta còn vô số những người bất hạnh, khốn khổ… cần được sự sẻ chia, giúp đỡ của những người may mắn hơn về cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần.

Cho nên, Thầy luôn tâm niệm, làm việc thiện cần phải có trái tim nhân hậu, tấm lòng bao dung và độ lượng…Giờ đây ở tuổi thất thập, ngoài công tác tại trường với vai trò là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng nhà trường, NGND.TS Đỗ Hữu Tài còn giữ cương vị là Chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh Đồng Nai, cùng mong muốn trọn vẹn cống hiến và chia sẻ cho đời cái hồng phước mà mình đã được cuộc đời này ưu ái, cùng với mong mỏi trả ơn cho người đã từng cưu mang mình bằng cách cho đi yêu thương đến cộng đồng.

Có rất nhiều người vượt qua khốn khó nhờ tấm lòng nhân đạo của Thầy, họ luôn mong cho thầy nhiều sức khỏe để tiếp tục tưới mật cho đời. Riêng tôi, cũng đã đi hơn nữa đời người, vẫn mong mãi là người học trò, người cộng sự cùng Thầy trên con đường thiện nguyện, để yêu thương cho đi là hạnh phúc giữ lại.

Cựu Sinh viên

Đỗ Hữu Tài, nhân đạo, từ thiện


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        11,220,976       3/739