Dưới mái trường

Truyền lửa đam mê - Nối mạch ý tưởng

Mất 6 năm để chạm đến chức vô địch Robocon trong nước và mất đến 11 năm để đoạt vòng nguyệt quế Robocon khu vực Châu Á - Thái Bình Dương… Có thể thấy, chặng đường đến cuộc thi Robocon của Trường đại học Lạc Hồng là chặng đường kiên trì nỗ lực để chinh phục tri thức.

Có thể nói, thành công của Đội LH-NVN khi chạm đến vòng nguyệt quế trong cuộc thi Robocon Châu Á - Thái Bình Dương năm 2014 ngoài nỗ lực và sáng tạo từ các thành viên, còn có những đóng góp rất lớn từ phía các giảng viên và lãnh đạo nhà trường.

* 9 tháng thầy trò ăn ngủ cùng Robocon

8 giờ sáng một ngày đầu tháng 10, Trung tâm công nghệ Robot của Trường đại học Lạc Hồng đã inh ỏi tiếng máy hàn, máy cắt. Ngoài một số sinh viên năm cuối đang thực tập đề tài tốt nghiệp, còn lại đa phần là các sinh viên và giảng viên đang tất bật chuẩn bị một số linh kiện, máy móc, phục vụ cho mùa thi Robocon Lạc Hồng 2015 diễn ra trong tháng 11.

chế tạo robot

"Những đêm không ngủ" tại Trung tâm công nghệ Robot

Ngồi trong “xưởng cơ khí” ngột ngạt và với tiếng máy cắt, máy hàn, khoan hoạt động liên hồi, chúng tôi… hơi choáng. Nhưng theo thầy Đoàn Dương Quý, phụ trách Trung tâm công nghệ Robot, đây là thời điểm để kiểm tra các linh kiện, bảo trì trung tâm. Đến mùa cao điểm, hàng chục chiếc máy sẽ hoạt động hết công suất, hàng trăm sinh viên tập trung chế tạo robot. Không gian làm việc khẩn trương và rộn rã ấy giúp thầy trò làm việc thâu đêm mà không thấy buồn ngủ.

Theo đó, sau khi thi thiết kế ý tưởng robot ở trường, từ tháng 11 trở đi, các đội Robocon bắt tay vào thiết kế robot. “Do có quá nhiều đội, nên trung tâm đã chia ô, mỗi đội một ô để chế tạo, thiết kế robot. Do chỉ chọn 8 đội trong tổng số 30 - 40 đội dự thi nên bạn nào cũng cố gắng, ban ngày đi học và làm việc từ tối đến khuya, tờ mờ sáng tranh thủ chợp mắt rồi lại đến trường” - Nguyễn Vương Quốc, sinh viên lớp 10CD111, Khoa Cơ điện - Điện tử, thành viên của đội LH-NVN vừa đoạt chức vô địch Cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương 2014 cho hay.

Cũng chính vì suốt 9 tháng làm việc, ăn ngủ cùng Robot nên ý thức tập thể trong đội với gần 10 thành viên luôn được đề cao. Một số thành viên đã không tránh khỏi những lúc tranh luận gay gắt, nhất là khi robot trục trặc.“Tất cả khóc - cười cũng vì robot, vì công việc chung nên ai cũng hy sinh cái tôi của mình. Vui nhất là khi robot giành chiến thắng, thành viên nào cũng vỡ òa hạnh phúc” - Nguyễn Vương Quốc bộc bạch.

Khi đến các vòng thi sau cùng của cuộc thi Robocon Lạc Hồng, yêu cầu và tính cạnh tranh càng cao nên suốt thời gian đó, thành viên các đội phải hoàn thiện Robot. Là người túc trực ở trung tâm suốt mùa robocon 2014, Võ Quang Thu, sinh viên lớp 10CD111, đã thật tinh tế khi quan sát: "Trung tâm là nơi các đội thiết kế, thử sân, chạy thử nên các bóng đèn của trung tâm luôn sáng 24/24 trong suốt 9 tháng liên tục”. Vì sinh viên túc trực nên các các cán bộ của trung tâm cũng đã trực chiến, cùng gỡ cho trò những chi tiết vướng mắc phát sinh.

* Sát cánh cùng sinh viên

TS. Nguyễn Vũ Quỳnh, Trưởng Khoa Cơ điện - Điện tử, cho biết: “Việc bố trí giảng viên kèm sát sinh viên ngay từ đầu đã đem lại nhiều cái lợi, giúp giảm bớt thời gian, kinh phí và công sức cho sinh viên trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật. Quá trình sinh viên thử - sai - làm lại sẽ giảm đi. Sinh viên làm sai, vướng mắc khâu nào, giảng viên sửa ngay chỗ đó”.

trao giải cuộc thi cọ sát

Thầy Lâm Thành Hiển - Phó Hiệu trưởng thường trực (phải) và Thầy Nguyễn Vũ Quỳnh (trái)

đồng hành cùng sinh viên từ khi phát động cuộc thi, tham gia thi cọ xát tại trường ...

đến các trận đấu quốc tế (ảnh trao giải vòng thi cọ xát tại trường - mùa giải Robocon 2014)

Theo đó, ngay từ các vòng thi Robocon Lạc Hồng, các đội có thể tự chọn các giảng viên làm chỉ đạo viên hướng dẫn cho đội của mình. 8 chỉ đạo viên của trường đều trưởng thành từ các cuộc thi robocon, có kinh nghiệm thi đấu. Th.S Nguyễn Bá Thuận, trải qua 10 mùa thi đấu với nhiều vai trò như người thi, chỉ đạo viên, lãnh đạo đoàn Robocon, chia sẻ: “Chính những người thầy trưởng thành qua nhưng thất bại và chinh chiến từ các cuộc thi robocon sẽ có nhiều kinh nghiệm truyền lại cho thế hệ học trò. Những việc mình chưa làm được, những kinh nghiệm và tâm huyết của người thầy đều truyền lại cho các em”.

Thầy Đoàn Dương Quý chia sẻ: “Các chỉ đạo viên là người tư vấn cho sinh viên các ý tưởng robot, tư vấn về kỹ thuật, công nghệ… để hoàn chỉnh Robot qua từng vòng thi ở trường. Riêng đối với các cuộc thi lớn như toàn quốc và châu lục, phải chuẩn bị cho các em công tác tư tưởng, kinh nghiệm thi đấu và chiến thuật nữa”. Theo Th.S Nguyễn Bá Thuận, một robot có tới hàng ngàn chi tiết, chỉ cần một chi tiết trục trặc là bài thi hỏng nên phải chuẩn bị kỹ từ chi tiết nhỏ nhất, dây cắm điện…

* Đưa ứng dụng về chế tạo robot vào thực tế

Được xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong chương trình đào tạo của Trường đại học Lạc Hồng, bộ môn Robocon sẽ đào tạo sinh viên có nghề về lĩnh vực này. Bởi lẽ, sinh viên tự sáng tạo từ A-Z một robot hoàn chỉnh, có tích hợp cảm biến, có động cơ, cơ khí nhuần nhuyễn… với hàng ngàn bo mạch và chi tiết thì không cớ gì không thể tham gia cải tiến kỹ thuật trong dây chuyền sản xuất của nhà máy, xí nghiệp.

vòng thi ý tưởng

Cuộc thi ý tưởng Robocon 2015 được phát động từ rất sớm

Sự tự tin đó cũng thể hiện qua lời khẳng định chắc nịch từ Võ Quang Thu: “Khi ra trường, nếu làm đúng chuyên ngành em hoàn toàn tự tin với tấm bằng kỹ sư cơ - điện tử. Tham gia cuộc thi, không chỉ em mà các thành viên đều lên tay trong vận dụng cơ khó, lập trình ở mức độ phức tạp, qua đó, có thể tham gia thiết kế mạch điện tử, lập trình tự động hóa PLC, lập trình một số ứng dụng nhỏ bằng vi điều khiển…”.

Thực tế đã chứng minh, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng chân trên địa bàn tỉnh đã tìm đến Trường để đặt hàng đề tài chuyển giao công nghệ của khoa. Đó là các đề tài, như: máy sắp xếp chi tiết vào khuôn cơ động, máy dán kẹo cho cơ sở sản xuất kẹo Phát Thành Hưng (TP. Biên Hòa)…

Đặc biệt, lãnh đạo Công ty Nectokin Việt Nam (Doanh nghiệp 100% vốn của Nhật Bản), vốn nổi tiếng rất khắt khe về kỹ thuật và công nghệ đã gật đầu hài lòng với nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy nhúng chì phục vụ cho dây chuyền sản xuất cuộn cảm ứng của công ty. Ngoài làm tốt công tác chuyên môn ở khoa, các giảng viên khoa Cơ điện - Điện tử còn chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cán bộ Trường song ngữ Lạc Hồng.

Tại hội thi sáng chế 2013 do Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings), đề tài “Thiết kế và chế tạo Robot thùng rác thông minh” do nhóm tác giả Trần Đăng Quang, Nguyễn Vũ Minh Triết và thầy Lê Phương Long thiết kế và chế tạo trong 3 tháng đã đoạt giải khuyến khích, được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về quá trình học tập và sáng tạo trong việc bảo vệ môi trường Việt Nam. Ông Omar Katbi, đại diện Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đánh giá cao khả năng trình bày và thuyết trình, khả năng sáng tạo và sáng chế của nhóm nghiên cứu.

Thầy Quỳnh cũng cho hay, khoa đang xây dựng giáo trình dạy về Robot, tập hợp kiến thức kỹ năng về robot theo nhiều chủ đề khác nhau. Ngoài ra, để đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu của thực tiễn và theo kịp tri thức, nhà trường luôn cử giảng viên học tập cập nhật những kiến thức, kỹ thuật mới để truyền đạt cho sinh viên.

Theo đó, ngoài 9 tháng cùng trò chế tạo robot, 3 tháng còn lại trong năm, các giảng viên cơ - điện – điện tử sẽ tham dự các khóa huấn luyện đặc biệt do trường tổ chức, theo dõi thông tin qua mạng, đọc các tài liệu tham khảo. Thầy Trưởng khoa luôn trăn trở: thầy không giỏi thì sao truyền đạt cho trò được. Do vậy, ngoài chương trình đào tạo cơ bản ở đại học, sau đại học trong và ngoài nước, giảng viên của khoa luôn tự trau dồi cập nhật kiến thức, phương pháp kỹ thuật mới trong lĩnh vực này.

TS. Huỳnh Văn Tới - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: "Trong tương lai, Trường đại học Lạc Hồng cần đưa những nghiên cứu và thành tựu trong chế tạo robot vào ứng dụng trong cuộc sống phục vụ cho sự phát triển của xã hội. Có như vậy, những nghiên cứu khoa học của tập thể thầy và trò nhà trường mới không lãng phí. Đó mới là sân chơi trí tuệ thật sự".

NGND.TS. Đỗ Hữu  Tài - Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng: "Những thành công của đội Robocon Lạc Hồng là kết quả của cả một chính sách trong ưu tiên đào tạo của chúng tôi, đặc biệt khuyến khích nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Sau nhiều năm đầu tư cho mục tiêu cao cả, thầy trò Trường đại học Lạc Hồng đã có được lứa quả ngọt làm rạng danh đất nước, quê hương Đồng Nai".

Lâm Viên và Diễm Nhi

ý tưởng, đam mê, robocon


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        30,420,781       7/646