Kiến thức y tế học đường

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường


Bệnh thoái hóa khớp đang có xu hướng trẻ hóa

Thoái hóa khớp là một bệnh khớp thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay bệnh này đang được trẻ hóa. Vậy làm thế nào để có được chế độ ăn uống phù hợp để dự phòng và giảm nhẹ căn bệnh này.

Thoái hóa khớp nguy hiểm thế nào?

Thoái hóa khớp và cột sống là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tái tạo và phá hủy sụn khớp và tổ chức xương ở dưới sụn. Giai đoạn đầu xương bị mất nước, dần phá hủy sụn, hậu quả là gây ra đau đớn, cứng khớp, hạn chế đi lại và tàn phế...

Trước đây thoái hóa khớp thường xảy ra ở người già tuy nhiên, hiện nay bệnh có xu hướng trẻ hoá, những người khoảng hơn 20 tuổi đến 30 tuổi đã bị thoái hóa khớp. Các vị trí thoái hóa thường gặp nhất bao gồm: Cổ, thắt lưng, vai, gáy… Bệnh gây ra những cơn đau dữ dội, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đời sống sinh hoạt hàng ngày của người mắc phải.

Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên, người ta thấy có nhiều yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến tình trạng này như:

Quá trình lão hóa tự nhiên:  Khi con người già đi, cùng với sự lão hóa của cơ thể, các tế bào sụn cũng dần dần giảm chức năng tổng hợp chất tạo nên sợi colagen và mucopolysaccaride, làm cho chất lượng sụn kém dần, nhất là tính đàn hồi.

Bẩm sinh: Các dị dạng bẩm sinh làm thay đổi diện tì nén bình thường của khớp và cột sống làm một số khớp phải chịu áp lực quá tải, lâu dài gây ra thoái hóa.

Di truyền: Người có cơ địa già sớm hoặc hệ thống xương khớp yếu. Nếu như trong gia đình có người bị bệnh thoái hóa khớp sớm thì rất dễ những người con cháu sau này cũng sẽ bị nếu không có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý.

Quá trình thoái hóa khớp.

Bên cạnh đó, các biến dạng thứ phát hay yếu tố nội tiết cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.

Những lưu ý trong ăn uống

Ngoài việc sử dụng thuốc để điều trị thoái khớp thì chế độ ăn uống cũng có tác động không nhỏ tới việc hạn chế những cơn đau cho người bệnh thoái hóa khớp.

Tăng cường rau xanh, trái cây: Các loại trái cây như đu đủ, dứa, chanh, cam chứa nhiều men kháng viêm và vitamin C, đây là những hoạt chất tự nhiên giúp kháng viêm hiệu quả cũng như tăng cường độ dẻo dai cho các khớp. Đặc biệt, ăn nhiều quả bơ và hạt đậu nành rất tốt cho việc hạn chế thoái hóa khớp gối. Nghiên cứu cho thấy các chất trong bơ và đậu nành có khả năng kích thích tế bào sụn sinh trưởng collagen – một thành phần protein chính trong sụn, gân, xương.

Thực phẩm giàu omega-3: Axit béo Omega-3 được tìm thấy nhiều trong các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá thu…, có thể giảm tình trạng viêm ở khớp đồng thời ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch cho người đang bị thoái hóa khớp.

Ngoài ra, sử dụng xương ống hay sụn sườn bò nấu các loại nước hầm sẽ cho người bệnh thoái hóa khớp các món ăn cung cấp rất nhiều glucosamin và chondroitin, đây là những hợp chất tự nhiên cấu thành sụn trong cơ thể người. Những món ăn này còn bổ sung lượng canxi dồi dào, tốt cho hệ xương khớp.

Ăn đa dạng thịt gia súc, gia cầm và hải sản: Người bệnh thoái hóa khớp có thể bổ sung luân phiên các loại thịt lợn, thịt gia cầm (như gà, vịt), và hải sản như tôm, cua để chế độ dinh dưỡng thêm đa dạng. Các loại hải sản cá, tôm, cua, ghẹ... chứa nhiều khoáng chất tốt cho sự phát triển xương như canxi, magie....

(Theo BS. Nguyễn Hoàng Vinh - suckhoedoisong.vn)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  930,375       1/1,247