Kỹ năng xin việc

Sinh viên đang học  »  Kỹ năng xin việc


Dấu hiệu của sếp “hữu danh vô thực”

Không hiểu biết công việc. Sếp là một “người tàng hình” và không hề biết đến công việc chi tiết của nhân viên. Sếp tự vệ bằng cách nói với nhân viên “Đó không phải là công việc của tôi” và “Cứ làm đi!”. Bí quyết của sếp là… lảng tránh!

Không lắng nghe. Sếp “lướt” phím điện thoại di động trong khi nói chuyện với nhân viên. Sếp ngắt ngang lời của nhân viên liên tục để nói quan điểm của mình. Sếp không nhìn thẳng vào mắt nhân viên khi nhân viên trình bày và tỏ ra thiếu kiên nhẫn.

Không cởi mở. Sếp quá tự hào về bản thân và tự tin vào khả năng của mình. Sếp tự ra các quyết định một cách nhanh chóng. Mọi vấn đề mà sếp đưa ra chỉ là một chiều, không tạo cơ hội cho bất cứ một cuộc thảo luận nào, cũng không tạo ra sự khác biệt nào. Sếp cứ cho rằng mình biết tất cả, nhưng cuộc sống luôn thay đổi và có những thay đổi nhỏ mà sếp không hay biết, cứ chủ quan và cuối cùng tự chuốc lấy thất bại.

Không chuẩn bị tốt. Đang có một cuộc họp gấp. Sếp phải gác mọi thứ sang một bên để tham gia cuộc họp. Mọi lịch trình bị đảo lộn. Kết quả là sếp phải làm việc trễ thường xuyên. Những sự cố như vậy cho thấy sếp là một người không có khả năng hoạch định và quản lý các tình huống đột xuất nên làm khổ mình và khổ mọi người.

Không đào tạo và phát triển nhân viên. Con người là tài sản quan trọng nhất, nhưng sếp chỉ nói mà không làm. Vấn đề quan trọng là sếp phải giúp nhân viên mở rộng tầm nhìn, đề cao các giá trị của doanh nghiệp, chú trọng vào việc học hỏi để nâng cao trình độ, tay nghề và có cơ hội thăng tiến.

Không giữ trật tự kỷ cương. Có sếp cho phép nhân viên đi về bất kể giờ nào và hành xử theo cách của riêng họ. Nếu cứ buông lỏng kỷ luật lao động thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp làm sao cao được.

Thiếu sức ảnh hưởng. Hình thức bề ngoài, ngôn ngữ, phong cách diễn đạt đều góp phần tạo ra một tầm ảnh hưởng nhất định của sếp. Sếp có truyền đến nhân viên hình ảnh của một con người chuyên nghiệp, có khả năng làm việc theo nhóm và làm cho công việc được tiến hành thông qua người khác? Nếu chưa làm được điều đó thì nguyên nhân chính là sếp chưa tạo ra được ảnh hưởng đối với đội ngũ nhân viên của mình.

“Tấn công” nhân viên. Sếp bất chợt chỉ trích nhân viên trước đám đông hay bất thình lình xông vào chỗ làm việc của nhân viên như muốn kiểm tra xem nhân viên có đang làm chuyện gì mờ ám không. Sếp làm cho nhân viên có cảm giác rằng họ chỉ là những người đầy tớ của sếp.

Không động viên, khen ngợi nhân viên. Sếp làm cho nhân viên cảm thấy họ đang làm việc rất vất vả nhưng lúc nào cũng bị kìm cặp, giám sát chặt chẽ. Sếp có thường khen ngợi hay đưa ra phản hồi tích cực cho nhân viên? Sếp có khơi nguồn cho nhân viên phát huy khả năng của họ, khen ngợi những thành công của họ và nêu ra được bài học kinh nghiệm sau mỗi thất bại không?

Không truyền thông hiệu quả. Sếp không quan tâm đến việc truyền đạt thông tin nội bộ. Vì vậy, nhiều nhân viên dường như bị mất phương hướng, không biết mục tiêu, những kỳ vọng hay thời hạn hoàn thành công việc đặt ra cho mình như thế nào.

Đạo đức giả. “Hãy làm như những gì tôi nói, đừng làm như những gì tôi làm”. Đó là thông điệp mà một sếp gửi đến cho nhân viên của mình. Trong mọi vấn đề, nhân viên luôn nhìn thấy ở sếp hai chuẩn mực khác nhau. Sếp nghi ngờ vào khả năng gắn bó của nhân viên trong khi vẫn âm thầm đi phỏng vấn tìm việc ở nơi khác.

Quá nghiêm trọng. Sếp làm cho không khí trong văn phòng trở nên ngột ngạt và căng thẳng. Sếp luôn đóng cửa phòng. Đến khi xuất hiện, sếp chỉ nói về công việc bằng một ngôn ngữ xa cách, đầy hàm ý chỉ trích.

Đặt mục tiêu ngắn hạn. Sếp xem công việc hiện tại chỉ là một bước đệm cho sự nghiệp của mình. Sếp làm việc chỉ vì bản thân. Sếp đi trễ, về sớm và giao phó mọi việc mà nhân viên có thể đảm nhiệm được. Sếp muốn an toàn và chỉ tranh thủ hái những quả ngọt từ những cành thấp.

Không bảo mật thông tin. Sếp xây dựng một chính sách mở, sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận mọi thông tin. Thế nhưng những cuộc trò chuyện của nhân viên với sếp cuối cùng vẫn được tất cả mọi người biết đến một cách khá chi tiết. Rút kinh nghiệm, nhân viên không chia sẻ với sếp bất cứ điều gì nữa.

Không nói ra những khó khăn. Sếp muốn tạo ra một môi trường yên bình và làm ra vẻ như mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ. Nhưng khi công việc đến dồn dập và mọi người đặt ra nhiều câu hỏi thì sếp sẽ… đổ hết gánh nặng lên vai họ.

Quản lý vi mô. Sếp không biết cách giao phó công việc mà cứ nhúng tay vào mọi việc của nhân viên. Về lâu dài, sếp phải giao cho nhân viên quyền tự quyết nhất định và xây dựng văn hóa sở hữu công việc.

Cảm thấy bị đe dọa bởi nhân viên. Người ta thường nói rằng khi nhân viên nghỉ việc tức là họ muốn xa lánh sếp chứ không phải rời bỏ công ty. Sếp nào cũng lo sợ bị mất quyền kiểm soát hay để lộ khuyết điểm của mình. Tuy nhiên, đừng vì thế mà tạo lập quyền lực bằng cách bác bỏ mọi ý tưởng hay tự ca tụng bản thân.

Khiến người khác khó lường trước. Sếp thường có những cơn giận bất chợt khiến nhân viên không hiểu lý do. Các nhân viên không biết nên gặp sếp lúc nào. Họ sợ sẽ bị trút giận bất ngờ nếu đưa ra câu hỏi không đúng.

Thiếu sự công bằng. Sự thiên vị, thất hứa và trả đũa là tất cả những điều mà mọi người nhìn thấy ở sếp. Khi thiếu sự công bằng và minh bạch, nhân viên sẽ luôn tỏ ra hoài nghi.

Phản hồi chậm. Khách hàng đã quen được phục vụ nhanh chóng, nhưng nếu các nhân viên luôn phải chờ đợi sếp thì tất nhiên, mọi việc sẽ hỏng hết. Đã đến lúc sếp cần điều chỉnh lại thứ tự ưu tiên trong công việc và tốc độ làm việc. Nếu không làm được điều đó, khách hàng sẽ bỏ đi nơi khác.

Không được nhân viên ủng hộ. Tất cả nhân viên họp thành một trận tuyến đối lập với sếp. Sếp không bao giờ thừa nhận sai lầm của mình và cũng chẳng có trách nhiệm gì đối với thành bại của doanh nghiệp. Nhân viên cũng chẳng muốn gánh chịu rủi ro nên cứ đổ hết tội lỗi cho sếp. Kết quả là sếp mất uy tín.

Xử lý vấn đề mang tính cá nhân. Sếp đối xử tệ với các nhân viên chỉ vì mình không thích họ hay vì họ quyết định nghỉ việc. Sếp hành xử thiếu thiện chí và thậm chí còn bày trò hại nhân viên. Tệ hại hơn, sếp sẵn sàng sa thải nhân viên nếu họ có thái độ chống đối. Sếp quá dễ tự ái nên thiếu suy xét trước sau. Cách hành xử của sếp càng làm cho nhân viên dè chừng hơn.

Chú trọng đến bè phái. Đôi khi sếp có vẻ quan tâm đến việc đấu đá với các phòng ban nội bộ khác hơn là chạy đua với các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là một cách để sếp chứng tỏ mình là người thông minh và có giá trị.


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  3,104,281       1/596